Mở xưởng sản xuất đồ nội thất cần những thiết bị gì?

    👀 Trên thị trường hiện có rất nhiều loại máy và thiết bị có thể thực hiện được các chức năng gia công sản xuất đồ nội thất. Vậy làm thế nào để có thể lựa chọn phù hợp các máy và thiết bị sản xuất đồ nội thất cho xưởng của bạn? Đây là công việc không đơn giản, yêu cầu có kiến thức và kinh nghiệm. Trong một số trường hợp còn cần thuê chuyên gia (người có kiến thức, uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực) để tư vấn lựa chọn số lượng, chủng loại, đồng thời tư vấn về công nghệ từ thiết kế đến sản xuất…

    Đồ nội thất sản xuất theo đặt hàng, đơn chiếc hay với cách gọi khác của thị trường là “sản xuất đồ nội thất may đo” đang rất phổ biến. Các sản phẩm nội thất như: tủ bếp, tủ áo, kệ trang trí các loại, … được thiết kế và sản xuất theo hình thức đặt hàng đang được khách hàng rất ưa chuộng, do được sản xuất theo nhu cầu thẩm mỹ và theo không gian nội thất hiện có của khách hàng, hiện thực hóa nhu cầu cá nhân hóa của khách hàng.

    Đầu tư xưởng sản xuất đồ nội thất theo hình thức này đang ngày càng nhiều, tuy nhiên, trong đó cũng tồn tại không ít rủi ro và cạnh tranh. Để có thể xây dựng được một xưởng sản xuất phù hợp, chủ đầu tư cần có kiến thức về sản xuất đồ nội thất bằng vật liệu gỗ, đặc biệt là đồ nội thất dạng tấm phẳng (thị trường hay gọi là nội thất gỗ nhân tạo/gỗ công nghiệp). Trong quá trình sản xuất đồ gỗ dạng tấm phẳng các chủ đầu tư cần nắm được các khâu chủ đạo như: pha phôi (cắt ván), khoan lỗ mặt, khoan lỗ cạnh, soi rãnh, dán cạnh… Trong các bước gia công ở các khâu như trên sẽ cần các loại máy và thiết bị khác nhau như: thiết bị pha phôi (cắt ván), thiết bị khoan lỗ, thiết bị dán cạnh,… Trong một xưởng sản xuất đồ nội thất với nguyên liệu chính là gỗ nhân tạo/gỗ công nghiệp thường không thể thiếu ba loại thiết bị này.

    Trên thị trường hiện có rất nhiều loại máy và thiết bị có thể thực hiện được các chức năng gia công của ba nhóm thiết bị kể trên. Vậy làm thế nào để có thể lựa chọn phù hợp các máy và thiết bị sản xuất? Đây là công việc không đơn giản, yêu cầu có kiến thức và kinh nghiệm. Trong một số trường hợp còn cần thuê chuyên gia (người có uy tín, kinh nghiệm) để tư vấn lựa chọn số lượng, chủng loại, đồng thời tư vấn về công nghệ từ thiết kế đến sản xuất…

    Sau đây, Không gian Gỗ và Công nghệ xin giới thiệu đặc điểm của một số loại máy và thiết bị đang được sử dụng phổ biến tại các xưởng sản xuất đồ nội thất với nguyên liệu chính là gỗ nhân tạo/gỗ công nghiệp.

    1. Nhóm thiết bị pha phôi (cắt ván)

    - Máy cưa bàn trượt: Cưa bàn trượt là loại máy cưa phổ biến trong sản xuất đồ gỗ, đây là loại máy có thể xếp vào loại rất truyền thống, rất nhiều xưởng sản xuất quy mô nhỏ và trung bình đang sử dụng.

    Ưu điểm: Giá rẻ, dễ thao tác, rất nhiều xưởng có thể đầu tư.

    Nhược điểm: Nếu áp dụng cho việc pha phôi gỗ nhân tạo/gỗ công nghiệp dạng tấm kích thước tiêu chuẩn, cần kỹ thuật viên có kinh nghiệm tiến hành lập sơ đồ cắt để có thể thu được tỉ lệ lợi dụng tối ưu của mỗi tấm ván. Thông thường tỉ lệ lợi dụng chỉ khoảng 60-80%. Ngoài ra thường cần ít nhất 2 người đồng thời tiến hành thực hiện công việc cắt ván trên máy cưa bàn trượt. Hiệu suất công việc thấp, độ chính xác gia công không cao, trong nhiều trường hợp không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Hơn nữa, mức độ nguy hiểm khi thao tác lớn, dễ gây thương tích. Hiện tại nhiều xưởng đã không sử dụng cưa bàn trượt cho việc cắt ván thường xuyên, nếu sử dụng cũng chỉ trong một số khâu như cắt lại ván hoặc cắt bù phôi do lỗi trong sản xuất hàng loạt.

    - Máy cưa panel (Beam Saw/ Panel Saw/ Computer Panel Saw): Máy cưa panel là loại máy tự động pha phôi gỗ nhân tạo/gỗ công nghiệp dựa vào thông tin nhập từ máy tính. Panel saw là loại cưa có thể cắt được nhiều tấm ván một lúc với sơ đồ cắt tối ưu đã được xuất ra từ phần mềm thiết kế. Trong những phân xưởng sản xuất quy mô lớn thường sử dụng loại thiết bị này để pha phôi.

    Ưu điểm: Sản xuất với quy mô lớn, công suất cao, độ chính xác cao, chất lượng gia công tốt.

    Nhược điểm: Chỉ pha phôi các chi tiết có biên dạng thẳng, không tạo được các loại phôi có biên dạng cong. Đa số sử dụng trong dự án sản xuất đồ nội thất số lượng lớn. Không phù hợp sử dụng trong sản xuất đồ nội thất đơn chiếc.

    - CNC Nesting: Là loại máy đang được sử dụng rộng rãi để thay thế cưa bàn trượt trong khâu pha phôi ở các xưởng sản xuất đồ nội thất từ gỗ nhân tạo. CNC Nesting được dùng nhiều trong sản xuất đồ nội thất đặt hàng đơn chiếc có sự hỗ trợ của phần mềm thiết kế, bóc tách, sản xuất chuyên dụng. Các phần mềm chuyên dụng này có thể tiến hành bóc tách, lập định mức nguyên vật liệu và phụ kiện (BOMs), tối ưu sơ đồ cắt ván, tạo file Code cho cho máy CNC, xuất báo giá,… trên cơ sở bản vẽ phối cảnh 3D được dựng trực tiếp từ phần mềm. Các phần mềm có đủ các tính năng trên có: Bazis, E-Cabinet, Polyboard, Haixun, Baicic,…

    Ưu điểm: Có thể pha phôi, khoan lỗ và soi rãnh mặt ván trong cùng một công đoạn, với biên dạng chi tiết bất kỳ. Đối với xưởng sản xuất có máy CNC Nesting kết hợp phần mềm chuyên dụng, kỹ thuật viên có thể thiết kế trực tiếp sản phẩm nội thất hoặc không gian nội thất theo yêu cầu của khách hàng với hiện trạng không gian nội thất mà khách hàng có. Sử dụng phần mềm và CNC nesting có thể giảm được nhiều chi phí nhân công cho việc thiết kế, triển khai bản vẽ sản xuất, lập sơ đồ cắt tối ưu, tạo code cho máy CNC, xuất báo giá,… tất cả các công việc này được tích hợp trong phần mềm (những công việc này thường yêu cầu kỹ sư có kỹ năng sâu và kinh nghiệm lâu năm mới thực hiện được nếu không có phần mềm chuyên dụng hỗ trợ). Khi ứng dụng phần mềm cho CNC Nesting, người có kiến thức về sản xuất đồ gỗ nội thất được tập huấn sử dụng phần mềm là có thể thực hiện được các công việc trên, bao gồm cả vận hành máy CNC nesting.

    Nhược điểm: Chi phí đầu tư ban đầu lớn. CNC Nesting không phù hợp cho sản xuất số lượng đơn hàng lớn như các dự án sản xuất đồ gỗ nội thất hàng loạt.

    2. Thiết bị dán cạnh

    - Máy dán cạnh cầm tay: Là loại máy dán cạnh ván bằng các thao tác thủ công, thuộc loại thiết bị truyền thống trong sản xuất đồ nội thất, thường dùng ở các xưởng sản xuất với quy mô rất nhỏ.

    Ưu điểm: Chi phí đầu tư thấp, rủi ro đầu tư ít.

    Nhược điểm: Hiệu suất làm việc không cao, chất lượng dán cạnh thấp, cần nhiều thao tác chỉnh sửa sau khi dán cạnh.

    - Máy dán cạnh thủ công dạng bàn: Loại máy này khác so với máy dán cạnh cầm tay một chút, nhưng cơ bản không có sự khác biệt. Đều thuộc loại máy thao tác thủ công.

    Ưu điểm: Chi phí đầu tư thấp (giá cao hơn không nhiều so với máy dán cạnh cầm tay)

    Nhược điểm: Hiệu suất làm việc không cao, chất lượng dán cạnh thấp, cần nhiều thao tác chỉnh sửa sau khi dán cạnh.

    Hiện tại rất nhiều xưởng sản xuất không mua các loại máy dán cạnh thủ công cũng như máy dán cạnh cầm tay, vì cơ bản không đáp ứng được yêu cầu chất lượng gia công hiện nay.

    - Máy dán cạnh bán tự động: Hiện tại khá nhiều xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất truyền thống quy mô nhỏ đang sử dụng. Loại thiết bị này có thể đáp ứng yêu cầu dán cạnh cho đồ nội thất từ gỗ nhân tạo/gỗ công nghiệp. Chất lượng dán cạnh tốt hơn so với loại máy dán cạnh thủ công, tốc độ dán cạnh cũng cao hơn. 

    Ưu điểm: Đáp ứng yêu cầu chất lượng dán cạnh đồ gỗ nội thất từ gỗ nhân tạo/gỗ công nghiệp, có thể được nhiều xưởng sản xuất chấp nhận. Chi phí đầu tư trung bình.

    Nhược điểm: Cần kỹ thuật viên có chuyên môn và kinh nghiệm vận hành. Cần thao tác chỉnh sửa sau khi dán cạnh, tốc độ dán cạnh hạn chế.

    - Máy dán cạnh tự động hoàn toàn: đáp ứng tốt các yêu cầu chất lượng đồ gỗ nội thất từ gỗ nhân tạo. Tính năng đầy đủ, chi phí đầu tư phụ thuộc và cấu hình máy.

    Ưu điểm: Nhiều tính năng, hoàn toàn tự động, chất lượng dán cạnh cao, công suất cao, tiết kiệm thời gian và nhân lực.

    Nhược điểm: Chi phí đầu tư cao hơn so với máy dán cạnh bán tự động. Giá máy phụ thuộc vào cấu hình máy, do đó, trong một số trường hợp người mua chọn được máy không đúng yêu cầu của xưởng nếu không hiểu về cấu hình mà chỉ quan tâm đến giá bán.

    3. Thiết bị khoan

    - Khoan giàn bán tự động: là loại máy khoan khá phổ biến trong gia công đồ gỗ, cần có kỹ thuật viên lành nghề vận hành máy. Hiện nay rất nhiều xưởng sản xuất sử dụng máy khoan giàn bán tự động. Giá bán máy khoan giàn phụ thuộc vào số lượng giàn khoan.

    Ưu điểm: Giá rẻ, nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu khoan lỗ chi tiết sản phẩm.

    Nhược điểm: Cần kỹ thuật viên có chuyên môn vận hành, chi phí nhân công cao, công suất làm việc thấp, hạn chế lớn bởi tác động của con người.

    - Máy CNC khoan cạnh: Là loại máy CNC chuyên dùng để khoan cạnh chi tiết. Khi kết hợp với CNC Nesting sẽ tạo ra hiệu quả sản xuất tương đối cao, có thể tạo ra dây chuyền sản xuất liên tục, người bình thường qua tập huấn đều có thể vận hành hệ thống.

    Ưu điểm: Thao tác dễ dàng, quét mã khoan là có thể khoan được lỗ theo thiết kế, tự động hoá cao.

    Nhược điểm: Chỉ có thể kết hợp với thiết bị điều khiển CNC, cần phối hợp với thông tin từ phần mềm thiết kế chuyên dụng. Các xưởng sản xuất đầu tư CNC Nesting thường đồng thời đầu tư máy CNC khoan cạnh.

    - Máy CNC khoan 5 mặt, 6 mặt: Là loại máy CNC khoan lỗ trên 5 mặt hoặc 6 mặt của chi tiết cùng một lúc thông qua quét mã dán trên chi tiết được thiết kế và xuất ra từ phần mềm thiết kế.

    Máy CNC khoan 5 mặt
    Máy CNC khoan 6 mặt

    Ưu điểm: Thao tác vận hành đơn giản, chỉ cần quét mã chi tiết, máy sẽ khoan đồng thời các lỗ trên 5 mặt hoặc 6 mặt của chi tiết theo thiết kế. Hiệu suất gia công và độ chính xác cao.

    Nhược điểm: Chi phí đầu tư cao, rủi ro đầu tư lớn, các xưởng sản xuất quy mô nhỏ thường không thể đầu tư. Một khi công nghệ gia công không đáp ứng tiêu chuẩn, máy sẽ không thể vận hành và gia công chi tiết sản phẩm.

    Tên một số máy trong bài viết được gọi theo tính năng và có tham khảo tên trên thị trường. Có thể cách gọi tên chưa thống nhất và chính xác. Rất mong bạn đọc góp ý để có thể có tên gọi phổ biến và phù hợp nhất!

    Trân trọng cảm ơn!


    Nguồn tham khảo:
    1. https://www.excitechcnc.com
    2. http://www.cosencnc.com/hynews/97.html
    3. https://3g.made-in-china.com/gongying/jnpmsk-XbYQwKLlZOpm.html

    Đăng nhận xét

    0 Nhận xét

    NGƯỜI HỌC NÓI VỀ FIA