Gỗ --- Vật liệu thân thiện môi trường

    Gỗ là loại vật liệu tự nhiên có thể tái sinh, trong quá trình gỗ được sinh ra, cây đã hấp thụ khí carbonnic (CO2) và thải ra khí ô xy (O2), trong điều kiện khai thác hợp lý sẽ không gây huỷ hoại môi trường, sau khi khai thác gỗ có thể được sử dụng trực tiếp, tiêu hao năng lượng khi vận chuyển và gia công thấp,… Các đặc điểm này cho thấy gỗ là loại vật liệu thân thiện môi trường… 👉👉👉

    Eco-friendly Canadian Wood Products
    (Nguồn: https://www.canadianwood.in)

    1. Quá trình tạo ra gỗ (quá trình sinh trưởng của cây) cây đã hấp thụ khí carbonnic (CO2) và thải ra khí ô xy (O2).

    Trong quá trình sinh trưởng, dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời lên lá, trong cây sẽ xảy ra phản ứng quang hợp chuyển hoá khí CO2 và nước thành các hợp chất hữu cơ nuôi cây và thải ra khí O2. Trên trái đất, hầu hết các sinh vật sống đều cần hấp thụ O2 và thải ra khí CO2. Chỉ có cây mới có khả năng hấp thụ khí CO2 và thải ra O2 khi có tác dụng của ánh sáng mặt trời. Công năng này của cây đã đảm bảo cho sự cân bằng về carbon trên toàn trái đất, đảm bảo cho con người sinh tồn và phát triển.

    2. Gỗ là loại vật liệu có thể tái sinh

    Có thể thấy, quá trình tạo ra gỗ là bền vững và vô tận, chỉ cần trái đất và mặt trời tồn tại thì gỗ sẽ không ngừng được tạo ra. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy tăng trưởng rừng tự nhiên ở Việt Nam khoảng 2–4 m³/ha/năm [1], tăng trưởng rừng trồng có thể đạt tới 40 m³/ha/năm [2]. Các loại vật liệu khác như: dầu mỏ, sắt thép, than, khoáng sản, … đều là vật liệu không thể tái sinh. Chúng ta sử dụng bao nhiêu thì sẽ giảm đi bấy nhiêu. Đến một thời điểm nào đó nguồn tài nguyên này sẽ cạn kiệt, nhưng gỗ sẽ vẫn tồn tại nếu được con người sử dụng hợp lý.

    3. Khai thác gỗ hợp lý sẽ không phá hoại môi trường

    So sánh việc khai thác gỗ với khai thác khoáng sản có thể thấy, khai thác gỗ gây tác động đến môi trường ít hơn nhiều. Khai thác khoáng sản không chỉ gây tác động nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên, phá huỷ hệ thống nước ngầm, mà còn tạo ra rất nhiều vật chất có hại như bụi, kim loại nặng,… gây ô nhiễm môi trường. Ngược lại, khai thác gỗ không làm thay đổi địa hình, địa mạo. Sau khi khai thác gỗ có gây ra ảnh hưởng tạm thời đến môi trường, nhưng môi trường có thể phục hồi thông qua tái sinh tự nhiên hoặc trồng rừng mới. Khi khai thác gỗ tạo ra các chất tàn dư có thể được xử lý dùng làm nguyên liệu để cải tạo đất, từ đó nâng cao độ phì nhiêu, thay đổi kết cấu của đất, làm cho cây ở chu kỳ sản xuất sau trở nên tốt hơn.

    4. Gỗ sau khi khai thác có thể sử dụng trực tiếp

    Thông thường các loại khoáng chất/vật liệu hoá thạch không thể sử dụng trực tiếp, mà cần trải qua quá trình chế biến đặc biệt. Quá trình chế biến khoáng sản tiêu hao năng lượng rất lớn, không những thế, quá trình này còn tạo ra nhiều loại khí thải cũng như nước thải độc hại.

    Gỗ sau khi khai thác, trong một số trường hợp có thể được sử dụng trực tiếp để tạo ra các sản phẩm. Đa số quá trình gia công, chế biến gỗ tiêu hao năng lượng không lớn như đối với chế biến khoáng sản.

    5. Tiêu hao năng lượng khi vận chuyển gỗ và sản phẩm gỗ thấp

    Tiêu hao năng lượng khi vận chuyển gỗ và sản phẩm gỗ thấp hơn rất nhiều so với các sản phẩm từ khoáng sản. Khối lượng riêng của gỗ thường nhỏ hơn 1600 kg/m³. Trong khi đó, khối lượng riêng của khoáng thạch trung bình khoảng 3000 kg/m³, khối lượng riêng trung bình của thép khoảng 7850 kg/m³. Vì vậy, nếu tính trên khối lượng vật liệu, khi vận chuyển khoáng thạch sẽ tiêu hao gấp 2 lần so với vận chuyển gỗ, vận chuyển thép sẽ gấp khoảng 5 lần so với vận chuyển gỗ. Ngoài ra, rủi ro về an toàn khi vận chuyển gỗ không lớn. Trong quá trình vận chuyển ít gây ô nhiễm môi trường. Không như việc vận chuyển than, đá sẽ tạo ra lượng bụi lớn gây tác động không nhỏ đến môi trường không khí.

    6. Năng lượng tiêu hao khi gia công gỗ thấp

    Gỗ là loại vật liệu có khối lượng riêng và độ cứng thuộc nhóm thấp, có thể dễ dàng thực hiện các phương thức gia công như: cắt, bào, đục lỗ, ghép, điêu khắc, mài và trang sức,… Cho dù không có sự hỗ trợ của các công cụ sử dụng điện hoặc cơ khí đều có thể tiến hành gia công gỗ để tạo ra sản phẩm. Trong quá trình gia công, việc vận chuyển nguyên liệu, cấu kiện, sản phẩm,… đều rất thuận tiện.

    7. Gỗ là loại vật liệu có thể hiện thực hoá quá trình gia công không phế liệu

    Phế liệu của quá trình gia công gỗ, cho dù là đầu mẩu hay là phoi bào, mùn cưa,… được tạo ra đều có thể sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất các loại sản phẩm như: đồ thủ công mỹ nghệ hoặc các loại ván nhân tạo (ván dăm, ván sợi, …). Trong một số trường hợp có thể làm nhiên liệu trực tiếp hoặc viên nén sinh học. 

    8. Gỗ là loại vật liệu có thể sử dụng lại -  vật liệu sử dụng tuần hoàn

    Chúng ta có thể tạo ra sản phẩm nhỏ từ các sản phẩm lớn bằng gỗ, ví dụ: có thể chuyển giường kích thước lớn thành giường kích thước nhỏ, giường kích thước nhỏ chuyển thành bàn, ghế ngồi. Đây chính là một trong những quá trình sử dụng lại. Chúng ta có thể sử dụng gỗ kích thước nhỏ, phế liệu trong quá trình gia công hoặc đồ gia dụng cũ bằng gỗ để sản xuất ván nhân tạo, sau đó sử dụng ván nhân tạo để sản xuất đồ gia dụng. Sau khi các đồ gia dụng này đã sử dụng một thời gian, lỗi thời, chúng ta lại tiếp tục dùng làm nguyên liệu để sản xuất ván nhân tạo để sản xuất đồ gia dụng. Quá trình tuần hoàn này có thể là được thực hiện nhiều lần và không có điểm dừng nếu có công nghệ phù hợp. Đây chính là khả năng sử dụng tuần hoàn của vật liệu gỗ mà nhiều loại vật liệu khác khó có thể thực hiện được.

    9. Sử dụng sản phẩm gỗ là cống hiến cho công cuộc bảo vệ môi trường

    Chúng ta sử dụng sản phẩm gỗ chính là lưu trữ carbon thông qua cây hấp thụ khí CO2 từ không khí. Dùng sản phẩm gỗ càng nhiều, thời gian sử dụng càng dài thì mức độ cống hiến cho bảo vệ môi trường càng lớn. Vì vậy, việc sử dụng gỗ để thay thế các loại vật liệu hoá thạch và vật liệu không có khả năng phân huỷ tự nhiên là xu thế cần hướng tới.

    10. Xử lý chất thải từ sản phẩm gỗ ít/không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường 

    Hầu hết các sản phẩm sau khi hết chu kỳ sử dụng đều cần tiến hành xử lý. Hiện nay việc này đã trở nên vấn đề không nhỏ. Ví dụ như các loại đồ dùng điện, ô tô,… nếu xử lý không tốt sẽ tạo ra ô nhiễm cho môi trường đất và nước. Sản phẩm gỗ sau khi không sử dụng có thể tự phân giải trong tự nhiên mà không cần biện pháp xử lý đặc thù. Sau khi gỗ được phân giải sẽ tạo ra CO2CO2 lại được cây hấp thụ và tạo ra gỗ, vì vậy có thể nói xử lý sản phẩm cũ bằng gỗ sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

     

     

    Bài tiếp theo sẽ giới thiệu các tính năng khác của gỗ như: màu sắc, âm thanh, mùi vị, điều tiết ẩm, nhiệt, …


    Rất mong nhận được các ý kiến góp ý, thảo luận để bài viết được hoàn thiện hơn.

     

     

    [1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Tăng_trưởng_rừng (Truy cập 20/9/2020)

    [2] https://www.mard.gov.vn/Pages/bac-giang-tang-truong-rung-trong-dat-40m3-ha-nam.aspx (Truy cập 20/9/2020)

     

     

     

     

     

    Đăng nhận xét

    0 Nhận xét

    NGƯỜI HỌC NÓI VỀ FIA